Legal Policy

Quy định tải trọng trục xe bất hợp lý?
Công ty TNHH GTL Hà Nội cho rằng quy định tải trọng trục xe tại Thông tư 46/2015/TT-BGTVT chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cản trở lưu thông hàng hóa, làm tăng chi phí xếp dỡ vận tải, tăng chi phí logistics của lô hàng xuất nhập khẩu.

Quy dinh tai trong truc xe bat hop ly? - Anh 1

Ảnh minh họa

Theo ý kiến của Công ty TNHH GTL Hà Nội, doanh nghiệp vận tải không có khả năng xác định thông số tải trọng trục của tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ mooc trước khi tham gia giao thông. Ngoài ra, giá trị tải trọng trục thay đổi theo các yếu tố khách quan như phân bổ hàng hóa trong container, tốc độ di chuyển của xe tải, sự xô lệch hàng hóa trong quá trình xếp dỡ tại cảng và trong quá trình vận tải đường biển...

Ngoài ra, quy định về tải trọng trục xe tại Thông tư 46/2015/TT-BGTVT chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cản trở lưu thông hàng hóa, làm tăng chi phí xếp dỡ vận tải, tăng chi phí logistics của lô hàng xuất nhập khẩu.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp , Công ty TNHH GTL Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng xem xét không xử phạt quá tải trọng trục đối với phương thức vận tải container và sửa đổi Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ phù hợp với toàn cầu hóa và hội nhập.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 của Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 7/9/2015 quy định về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của Bộ; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan như Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Đại học Giao thông vận tải, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam và tham khảo các tài liệu nước ngoài.

Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT đã quy định chi tiết về giới hạn tải trọng trục xe, giới hạn tổng trọng lượng xe được phép lưu hành trên đường bộ, phù hợp với tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở Việt Nam và phù hợp với quy định về tải trọng trục xe và tổng trọng lượng xe của đa số các nước trên thế giới được phép lưu hành trên đường bộ, đảm bảo theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm đối với tải trọng trục xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20%. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có xét đến việc ảnh hưởng do xếp hàng hóa trên xe và các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến tải trọng trục xe trong quá trình vận chuyển.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Công ty TNHH GTL Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ nhằm mục đích bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải đường bộ ở Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn