Quy chế hoạt động của Ban chấp hành và các Phòng, Ban của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng


QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
của Ban chấp hành và các phòng, bancủa Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-DANATA ngày 08/03/2021
của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng
)


 

CHƯƠNG I: QUY ĐỊNH CHUNG    

     Điều 1: Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng

     Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng (gọi tắt là Ban chấp hành) là cơ quan lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng (gọi tắt là Hiệp hội) giữa hai kỳ Đại hội. Hoạt động của Ban chấp hành tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

     Các ủy viên Ban chấp hành có trách nhiệm:

     1. Tham dự các kỳ họp của Ban chấp hành, thảo luận và biểu quyết các quyết định của Ban chấp hành; tham gia các hoạt động của Hiệp hội theo sự phân công của Ban Thường vụ;

     2. Gương mẫu chấp hành Điều lệ Hiệp hội, Nghị quyết của Đại hội Hiệp hội, các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội; có trách nhiệm quán triệt, triển khai các nghị quyết, chương trình công tác của Hiệp hội thuộc lĩnh vực phụ trách;

     3. Đề xuất với Ban chấp hành, Ban Thường về những chủ trương, chương trình hoạt động Hiệp hội và những vấn đề liên quan đến tổ chức Hiệp hội; được cung cấp thông tin về tình hình công tác Hiệp hội, hoạt động của Ban chấp hành và các đơn vị trực thuộc.

     4. Tham gia giám sát hoạt động của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội.

     Điều 2: Cơ cấu Phòng, Ban của Hiệp hội

     Ban chấp hành do Đại hội bầu. Ban chấp hành bầu chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, các Phó chủ tịch và Tổng thư ký;

     Thường vụ Hiệp hội gồm 01 Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng thư ký.

     Các Phó chủ tịch cùng một số ủy viên Ban chấp hành sẽ được đề cử làm Trưởng các Phòng, Ban chuyên môn của Hiệp hội:

     + Ban Hội viên và tài chính.

     + Ban Đối ngoại

     + Ban Đào tạo.

     + Ban Sự kiện.

     + Ban Kiểm tra.

     + Văn phòng.

 
CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG VÀ CÁC BAN

     Các Ban và Văn phòng của Hiệp hội do Ban Thường vụ Hiệp hội thành lập. Nhân sự của Ban là các Ủy viên Ban chấp hành và Hội viên. Chánh văn phòng và các Trưởng Ban do Ban Thường vụ quyết định bổ nhiệm.

     Điều 3: Ban Hội viên và tài chính:

     Nhiệm vụ của Ban Hội viên:

     1. Phát triển hội viên

     - Phát triển và duy trì Hội viên bao gồm: vận động gia nhập, xem xét hồ sơ, đề nghị Ban Thường vụ kết nạp, cấp Giấy chứng nhận Hội viên và theo dõi thông tin, giữ mối quan hệ thường xuyên với Hội viên.

     - Hỗ trợ thông tin, chính sách cho Hội viên.

     - Hướng dẫn cho hội viên thực hiện đầy đủ Quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều lệ.

     - Tạo môi trường giao lưu, kết nối Hội viên trong Hiệp hội và tổ chức các hoạt động gặp gỡ giao lưu với doanh nghiệp các Tỉnh, Thành trong nước.

     - Tổ chức thực hiện các hoạt động thăm viếng, hiếu hỷ đối với Hội viên

     - Tổ chức hỗ trợ hội viên tham gia hoạt động khen thưởng các cấp, các ngành.

     - Hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo theo nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Hội và hội viên.

     - Cung cấp các thông tin đáp ứng nhu cầu hội viên.

     2. Hoạt động tài chính

     - Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tạo nguồn thu và gây quỹ cho Hiệp hội.

     - Tham mưu cho Ban Thường vụ Hiệp hội xây dựng quy chế quản lý tài chính của Hiệp hội.

     - Theo dõi việc quản lý các nguồn thu – chi của Hiệp hội.

     Điều 4: Ban Đối ngoại

     Nhiệm vụ của Ban Đối ngoại:

     - Thực hiện các hoạt động đối ngoại của Hiệp hội với chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức, hội bạn nhằm xây dựng, nâng cao hình ảnh Hiệp hội.

     - Tổ chức thực hiện các hoạt động thăm viếng và hiếu hỷ với lãnh đạo các cấp Đảng, Chính quyền có liên quan Hiệp hội.

     Điều 5: Ban Sự kiện

     Nhiệm vụ của Ban Sự kiện:

     - Chủ động xây dựng chương trình và tổ chức các sự kiện của Hiệp hội.

     - Phối hợp với các Phòng, Ban khác tổ chức các sự kiện của Hiệp hội.

     - Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, văn nghệ, nghệ thuật; Tạo sân chơi lành mạnh, hữu ích cho hội viên.

     Điều 6: Ban Đào tạo.

     Nhiệm vụ Ban Đào tạo:

     - Liên hệ với các cơ quan, chuyên gia tư pháp hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức pháp lý, thông lệ quốc tế khi tham gia hội nhập có tranh chấp.

     - Chủ động gửi các văn bản pháp luật hoặc thông báo, tin tức, tình hình pháp luật liên quan đến các chính sách thuế, lao động, hợp đồng kinh tế, bảo hiểm,… cho các doanh nghiệp hội viên.

     - Hỗ trợ Hội viên giải quyết khó khăn khi gặp phải vướng mắc về thủ tục hành chính, dịch vụ công ...

     Điều 7: Ban kiểm tra

     Ban Kiểm tra có nhiệm vụ:

     - Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ và Nghị quyết của Ban chấp hành, Nghị quyết của Đại hội.

     - Kiểm tra việc sử dụng tài sản, các nguồn tài chính của Hiệp hội, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội.

     - Giải quyết đơn thư khiếu tố. Tham mưu cho Ban chấp hành bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, hội viên và tổ chức Hiệp hội.

     - Được quyền yêu cầu các Ủy viên Ban chấp hành, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội và những người có liên quan báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về những vấn đề cần kiểm tra.

     - Được đề nghị Ban chấp hành, Ban Thường vụ Hiêp hội, các cơ quan có liên quan trả lời, giải quyết đơn thư khiếu nại.

     - Được mời tham dự một số cuộc họp của Ban chấp hành, của Ban Thường trực, Thường vụ liên quan đến hoạt động của Ban.

     - Báo cáo trước Ban chấp hành và trước Đại hội về hoạt động của Ban Kiểm tra. Đề xuất, kiến nghị với Ban Thường vụ, Ban chấp hành xử lý các vi phạm theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và theo quy định của pháp luật.

     Điều 8: Văn phòng Hiệp hội

     Văn phòng Hiệp hội hoạt động theo Quy chế về hoạt động của Văn phòng Hiệp hội ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-DANATA ngày 08/03/2021.

 
CHƯƠNG V: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BAN

     Điều 9: Xây dựng chương trình hoạt động của Ban

     - Vào cuối mỗi quý, năm, Trưởng ban xây dựng chính sách, định hướng, mục tiêu hoạt động của ban trong quý, năm tiếp theo (nêu rõ: Nội dung công tác, thời gian, nguồn lực cần thiết, dự toán,…)

     - Chủ tịch Hiệp hội chỉ đạo các trưởng ban lập kế hoạch, chương trình, thực hiện các chính sách, mục tiêu chung mà hội đã đề ra.

     - Trong trường hợp có phát sinh, Chủ tịch Hiệp hội trực tiếp lấy ý kiến các Trưởng ban để triển khai, trên nguyên tắc tuân thủ các quy định, quy chế của Hội.

     - Trưởng các Ban có trách nhiệm Báo cáo kết quả hoạt động của Ban trong mỗi phiên họp Ban chấp hành hoặc khi có yêu cầu của Chủ tịch Hiệp hội.

 
CHƯƠNG VII: CHẾ ĐỘ HỘI HỌP
 
     Điều 10: Chế độ họp của Ban chấp hành

     1. Tổ chức cuộc họp Ban chấp hành:

     - Các phiên họp thường kỳ của Ban chấp hành Hội được tiến hành vào ngày thứ bảy của tuần cuối cùng hàng tháng, địa điểm họp tại Văn phòng Hội hoặc một địa điểm khác phù hợp (nếu ngày đó trùng vào ngày lễ thì sẽ chuyển vào ngày làm việc đầu tiên tiếp theo).

     - Nếu có các vấn đề phát sinh cần thiết, Ban chấp hành sẽ tiến hành họp đột xuất để lấy ý kiến thống nhất.

     - Các thành viên Ban chấp hành phải xác nhận tham gia họp trong vòng 2 ngày sau khi nhận được thư mời họp. Trong trường hợp vắng mặt có lý do, thành viên Ban chấp hành có thể uỷ quyền cho người họp thay thế để lấy thông tin (người thay thế không được tham gia biểu quyết). Thư mời họp kèm theo chương trình, nội dung họp do Chủ tịch (hoặc người được uỷ quyền) ký được gửi cho các thành viên Ban chấp hành trước ngày họp 03 ngày qua thư điện tử, fax.

     - Trong trường hợp cần thiết, sau khi thống nhất trong Thường trực, Chủ tịch Hội có thể lấy ý kiến của các thành viên Ban chấp hành mà không cần triệu tập cuộc họp nhưng phải có thông báo bằng văn bản đến các Ủy viên Ban chấp hành về các nội dung đã thống nhất.

     2. Nội dung họp Ban chấp hành:

     - Các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội.

     - Các vấn đề còn tồn tại của các phiên họp trước đó.

     - Bất kỳ vấn đề nào do bất kỳ thành viên Ban chấp hành, Văn phòng Hiệp hội, Hội viên đề xuất và Chủ tịch Hiệp hội thấy là cần thiết cho hoạt động của Hội.

     - Văn phòng Hiệp hội có trách nhiệm chuẩn bị các tài liệu liên quan đến nội dung các cuộc họp Ban chấp hành.

     3. Biên bản họp:

     - Thư ký cuộc họp có trách nhiệm ghi biên bản thể hiện đầy đủ thông tin, chính xác và trung thực từ các diễn biến, ý kiến phản ánh, các nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành nêu ra trong cuộc họp.

     - Chủ tịch Hiệp hội hoặc người được uỷ quyền bằng văn bản sẽ chủ trì họp Ban chấp hành và điều khiển việc thông qua từng vấn đề theo chương trình đã định.

     - Người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm ký xác nhận vào các biên bản họp Ban chấp hành.

     - Trong vòng 03 ngày làm việc sau cuộc họp, biên bản họp được văn phòng Hội gửi đến tất cả thành viên Ban chấp hành và các đơn vị liên quan.

     4. Lưu trữ hồ sơ công tác của Ban chấp hành:

     - Các hồ sơ công tác của Ban chấp hành bao gồm: tài liệu mô tả chính sách, mục tiêu, định hướng, chiến lược, kế hoạch, quyết định, biên bản họp và các văn bản khác được Ban chấp hành thông qua.

     - Các văn bản, hồ sơ công tác của Ban chấp hành được Văn phòng tiếp nhận, lưu trữ và cung cấp theo quy định quản lý thông tin của Hội.

 
CHƯƠNG VIII: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ

     Điều 11:

     Trong quá trình thực hiện, các Hội viên của Hiệp hội có quyền đề xuất với Chủ tịch Hiệp hội về việc sửa đổi, bổ sung những quy định của Quy chế này cho phù hợp với tình hình hoạt động của Hiệp hội.

     Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế sẽ do Ban chấp hành quyết định.

 
CHƯƠNG IX: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

     Điều 12:
    
    Quy chế này có hiệu lực từ ngày Chủ tịch Hiệp hội ký ban hành sau khi thông qua Ban chấp hành và được đa số thành viên Ban chấp hành nhất trí.

 
BAN CHẤP HÀNH